News - events

Saturday, 30/11/2024, 09:35 (GMT+7)

Ngành thép đón nhiều tín hiệu tích cực vào cuối năm 2024

Bước vào quý IV/2024, thép Việt Nam đón nhiều tín hiệu tốt khi thị trường quốc tế có những chuyển biến tích cực với các nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực bất động sản và giải ngân vốn đầu tư công đang được đẩy mạnh.

Những con số tích cực tại thị trường quốc tế

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong các tháng đầu năm, lượng xuất khẩu sắt thép của Việt Nam liên tục ở mức cao, ngoại trừ tháng 2 và tháng 6, các tháng còn lại đều đạt trên một triệu tấn. Đáng chú ý, Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu sắt thép lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng năm 2024 với kim ngạch trên 900 triệu USD, tăng gần 92%.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 8,88 triệu tấn, thu về hơn 6,4 tỷ USD, tăng 20,7% về lượng, tăng 14% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân đạt 730 USD/tấn, giảm 5,5% so với 8 tháng năm 2023. Hoa Kỳ tiếp tục vị trí dẫn đầu với mức tiêu thụ sắt thép của Việt Nam đạt 1,26 triệu tấn, tăng 16% về sản lượng, 38% về kim ngạch và 3,8% về giá so với cùng kỳ năm ngoái. Italia ở vị trí thứ 2, đạt 1,01 triệu tấn, tương đương 635 triệu USD.

 

Thép Việt Nam bước vào quý IV với những tín hiệu tích cực trên thị trường quốc tế

Ngoài ra, sản lượng xuất khẩu thép của Việt Nam đến thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu dự báo sẽ cải thiện do lợi thế cạnh tranh về giá. Đồng thời, từ năm 2025, dự kiến các hiệp định thương mại tự do [FTA] mà Việt Nam đã ký kết như RCEP, CPTPP sẽ tiếp tục mang đến những ưu đãi về thuế quan, thúc đẩy hoạt động thương mại song phương và đa phương. Điều này có thể giúp thép Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế.

Kỳ vọng tăng trưởng tại thị trường trong nước

Trước tình trạng các sản phẩm thép nhập khẩu ồ ạt vào thị trường trong nước [chủ yếu là thép HRC xuất xứ từ Trung Quốc], ngày 31/5/2024, Cục Phòng vệ thương mại thông báo đã nhận được hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép HRC có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Trong trường hợp đủ bằng chứng xác định sản phẩm trong nước chịu thiệt hại đáng kể, cơ quan điều tra phòng vệ thương mại sẽ kiến nghị Bộ Công Thương xem xét việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời nhằm hạn chế những tác hại đến các doanh nghiệp sản xuất HRC trong nước. Nếu mức thuế chống bán phá giá sớm được áp dụng đối với thép HRC nhập khẩu, thị phần của các công ty Việt Nam có khả năng gia tăng rõ rệt khi nguồn cung thép giá rẻ từ Trung Quốc bị hạn chế. Điều này giúp các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tăng cường sản lượng mà còn cải thiện biên lợi nhuận.

Theo dự đoán của nhóm chuyên gia Vasset Management Service [VSM], tiêu thụ nội địa sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn từ nửa cuối năm 2024. Bất động sản sẽ phục hồi, số lượng dự án mới được cấp phép gia tăng và Luật bất động sản sửa đổi bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, thị trường bất động sản, đang có những chuyển biến tích cực trong công tác tháo gỡ khó khăn bằng các sửa đổi trong chính sách, góp phần tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho thị trường bất động sản. Đặc biệt, các vướng mắc trong quá trình định giá đất, đền bù và giải phóng mặt bằng, giúp các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Trước sự tăng trưởng của số lượng các dự án đang triển khai tại khu vực miền Bắc và sự phục hồi rõ rệt của khu vực miền Nam, đây sẽ là bệ đỡ đảm bảo nguồn tiêu thụ thép duy trì ở mức ổn định trong thời gian tới bởi bất động sản chiếm tới 60% nhu cầu sử dụng thép.

 

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực bất động sản được kỳ vọng trở thành đòn bẩy thúc đẩy lượng tiêu thụ thép nội địa 2025 [Ảnh: Khu đô thị Starlate Tây Hồ Tây]

Từ ngày 1/8/2024 các điểm mới trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh Doanh bất động sản có hiệu lực, càng tạo bước đệm thúc đẩy nguồn cung trong thời gian tới nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thép trong nước.

Giá thép thị trường nội địa được đánh giá sẽ tăng nhẹ trong các tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025 nhờ nhu cầu nội địa tăng, làm giảm áp lực cạnh tranh với giá thép Trung Quốc. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng giảm từ đầu năm sẽ giúp biên lãi gộp của các doanh nghiệp sản xuất thép được cải thiện trong các quý tới.

Nhìn chung, từ cuối năm 2024 đến năm 2027, triển vọng tăng trưởng của ngành thép sẽ tích cực hơn nhờ nhu cầu nội địa hồi phục từ nửa cuối năm 2024, sản lượng tiêu thụ gia tăng khi các nhà máy mới đi vào hoạt động và thị trường bất động sản Trung Quốc bắt đầu hồi phục. Theo đó, doanh nghiệp cần tập trung đổi mới công nghệ sản xuất, phát triển sản phẩm chất lượng cao, thân thiện với môi trường và tận dụng các hiệp định thương mại tự do. Những bước đi mang tính bền vững và chiến lược này sẽ thúc đẩy ngành thép Việt Nam khẳng định vị thế và tăng sức cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng như quốc tế.

Nguồn: 

related